Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

Ô nhiễm... ánh sáng

Ô nhiễm ánh sáng gây khó cho quan sát thiên văn, làm cho côn trùng bị nhiễu loạn và thậm chí có thể gây bệnh tật cho con người. Vì thế không ít người đang yêu cầu có thêm bóng tối.

Cách đây 400 năm, nhà thiên văn học Galileo Galilei - người Italia đã có một phát hiện mang tính đột phá. Bằng mắt thường ông có thể phát hiện hàng nghìn ngôi sao. Nếu Galileo Galilei còn sống đến nay và quan sát bầu trời đêm bằng kính viễn vọng tự tạo của mình thì ông có thể phải đóng gói đồ nghề vì không thể phát hiện 4 mặt trăng Jupiter từng làm ông nổi danh một thời hoặc phát hiện những vết gồ ghề trên sao Thổ. Hoặc không thấy dải ngân hà gồm triệu triệu ngôi sao riêng lẻ được kết nối với nhau.

Ánh sáng nhân tạo ban đêm tại các đô thị có thể “giúp” bệnh ung thư khởi phát.

Ngày nay người dân ở các thành phố sẽ thực sự hoan hỷ, sung sướng nếu được chiêm ngưỡng dăm ba chục ngôi sao lấp lánh trên bầu trời. Nguyên nhân do ánh sáng tỏa ra từ các ngôi nhà, đèn đường và các bảng quảng cáo đã làm cho đêm trở thành ngày.

Theo người phát ngôn của nhóm công tác “ô nhiễm ánh sáng” thuộc hội những người yêu trăng sao thì "điều này từ lâu không chỉ là khó khăn đối với các nhà thiên văn học". Những thành phố rực sáng ánh đèn đêm làm cho các đàn chim di trú bị chệch hướng bay, những cột đèn đường thành bẫy diệt côn trùng, rùa mới nở cũng bị nhiễu ánh sáng không tìm được hướng để ra đại dương. Ánh sáng đêm làm cơ thể con người ngày càng bị dị ứng nhiều. Có nhiều dấu hiệu cho thấy do thiếu sự tối vắng nên bệnh ung thư có thêm cơ hội thuận tiện để phát triển.

Theo Viện Emnid, có 1/3 người dân Đức chưa nhìn thấy dải ngân hà. Tỷ lệ này ở những người dưới 30 tuổi lên đến 44%. Ở Trung Âu hầu như không còn vùng nào mà người dân có điều kiện để chiêm ngưỡng bầu trời đêm đầy trăng sao thực sự.

Tháp chuông nhà thờ không tên tuổi ở những vùng hẻo lánh nhất cũng được chiếu sáng bằng đèn quảng cáo, đèn pha với ánh sáng cực mạnh đã làm mất đi bầu trời đêm. Do ô nhiễm không khí nên các hạt bụi li ti trong bầu trời cũng góp phần phản quang tạo nên những "cái chuông ánh sáng" treo lơ lửng trên các thành phố.

Theo ông Holker, điều phối viên Dự án nghiên cứu liên ngành thành lập tháng 2/2009 mang tên Sự mất mát đêm tối gồm các nhà sinh thái học, các nhà y học lao động, sinh học niên đại học cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, chuyên gia kỹ thuật ánh sáng và các nhà kinh tế xã hội học, nói: "Chúng tôi muốn cùng nhau lượng hóa nguyên nhân và tác động của sự ô nhiễm ánh sáng để từ đó phát triển các phương án chiếu sáng thích hợp nhất".

Các nhà côn trùng học từ lâu đã biết côn trùng xác định hướng di chuyển dựa vào nguồn sáng phát ra từ mặt trăng, nhưng côn trùng dễ nhầm lẫn đặc biệt ở các loại chuyên sinh hoạt vào ban đêm, lẫn giữa ánh sáng do mặt trăng phát ra với ánh sáng đèn. Côn trùng thường bay xung quanh nguồn ánh sáng nhân tạo này cho đến khi mệt rã rời hoặc đâm bổ vào nguồn ánh sáng và chết. Theo nhà sinh vật học Gerhard Eisenbeis thuộc Đại học Mainz thì bình quân mỗi đêm hè quanh một cột đèn đường có khoảng 150 côn trùng bị tử nạn. Cả nước Đức có khoảng 7 triệu cột đèn đường, vậy là trên 1 tỷ côn trùng bị sát hại.

Đây là một vấn đề lớn đối với thế giới côn trùng. Mỗi con ngài (bướm đêm) khi bay quanh cột đèn đường đồng nghĩa với việc không đi tìm nguồn thức ăn, không thụ phấn và không thực hiện chức năng sinh sản. Trong khi đó côn trùng hầu như đứng ở hàng đầu chuỗi thức ăn do đó để lại hậu quả nặng nề đối với các loài động vật khác.

Đèn chiếu sáng ven mặt nước gây sự xáo trộn nghiêm trọng về loài

Trong luận án tiến sĩ của mình, nhà sinh vật học Mark Scheibe đã nghiên cứu 3 năm liền sự phân bố của côn trùng dọc một con suối nhỏ ở Taunus. Scheibe nhận thấy: chỉ một ngọn đèn đường thu hút một lượng ấu trùng của một số loại ruồi, muỗi mà trong điều kiện bình thường phân bổ dọc theo dòng suối có chiều dài khoảng 1.300m. Điều này cho thấy nguồn thức ăn này trở nên thiếu hụt đối với một số loài cá và chim.

Ông Scheibe đặt bẫy nghiên cứu tác động của các loại ánh sáng đèn đường đối với côn trùng. Kẻ thù lớn nhất của côn trùng là loại đèn hơi thủy ngân, loại đèn này toát ra màu xanh trắng, vốn rất thông dụng trong quá khứ. Loại đèn hơi natri, phát ra ánh sáng vàng hiện đại hơn và có sức thu hút côn trùng thấp hơn, chỉ bằng khoảng một nửa so với đèn hơi thủy ngân. Loại bướm đêm đặc biệt thích ánh sáng xanh trong khi một số loài côn trùng khác lại chuộng ánh sáng vàng. Chim đàn khi chuyển vùng, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu, thường bay theo ánh trăng. Nhiều khi chúng bị lạc hướng vì ánh sáng đèn ở các thành phố làm cho chúng bay đến kiệt sức rồi rơi xuống đất. Theo ước tính của U.S. Fish and Wildlife Service thì hàng năm có từ 4 - 50 triệu con chim đàn bị lạc vì tháp điện tín có đèn chiếu sáng ở Mỹ.

Tòa tháp bưu điện ở Bonn (Đức) đã từng là một cái bẫy đối với các loài chim. Tòa tháp này cao 162,5m được bao bằng những tấm kính trong suốt với khoảng 2.000 đèn ống có màu sắc khác nhau tô điểm cho tòa tháp, ngoài ra còn khoảng 100 ngọn đèn pha với các màu vàng, đỏ và xanh chĩa vào tòa tháp. Nhà sinh vật học Heiko Haupt đã cho hay, từ tháng 10/2006 - 11/2007 có 200 con chim thuộc 30 loài đã bị chết tại đây vì bị nhiễu ánh sáng nhân tạo, không xác định được hướng bay. Nay tòa tháp chỉ được chiếu sáng bằng ánh sáng xanh nhạt. Hiện Tập đoàn Bưu chính đã đình chỉ các cuộc trình diễn bằng ánh sáng, chí ít cũng vào thời điểm chim đàn tìm nơi di trú.

Sự ô nhiễm ánh sáng cũng gây nên những hiểm nguy mới đối với con người

Marcus Felson - chuyên gia hình sự học làm việc tại Đại học Rutgers, Mỹ có bằng chứng cho rằng, bọn tội phạm lợi dụng không gian sáng để yên tâm quan sát người đi đường bị lóa mắt khi bị tấn công hoặc bọn trộm thuận lợi khi ổ khóa được chiếu sáng mà không phải dùng đèn pin để hành nghề dễ bị phát hiện. Người ta còn lo ngại hơn khi thấy quá dư thừa ánh sáng vào ban đêm là nguy cơ dẫn đến một số bệnh ung thư. Thông qua ảnh chụp từ vệ tinh, gần đây TS. Itai Kloog thuộc Đại học tổng hợp Haifa đã đánh dấu những vùng sáng nhất ở Israel và liên hệ chúng với số liệu về các bệnh ung thư khác nhau ở các địa phương như những vùng tối tăm nhất ở Israel. Kết quả là, ở những vùng ô nhiễm ánh sáng nghiêm trọng nhất thì tỷ lệ người bị ung thư vú cao hơn tới 73%. Điều tương tự cũng diễn ra đối với căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Ông Kloog nhấn mạnh: "Tất nhiên không khẳng định ánh sáng là yếu tố duy nhất gây ung thư vú. Nhưng có sự liên quan khá rõ giữa nguồn sáng nhân tạo với người bị bệnh". Hoặc phụ nữ bị mù và phụ nữ ở các nước đang phát triển ít bị ảnh hưởng của ô nhiễm ánh sáng và cũng ít bị bệnh ung thư vú hơn. Phụ nữ thường phải làm việc ban đêm trong những căn phòng sáng có nguy cơ bị bệnh ung thư vú cao hơn.

Nguyên nhân có thể do hormon gây ngủ melatonin. Tuyến Zirbel chuyên tạo ra chất này vào ban đêm rất nhạy cảm với ánh sáng. Nếu phòng ngủ có nhiều ánh sáng thì cơ thể tạo ra ít chất melatonin nên khả năng chống bệnh ung thư bị giảm. Nhà y học David Blask thuộc Đại học Tulane của Mỹ nhận thấy, trong máu người chứa lượng melatonin ở mức bình thường thì sự phát triển của khối u sẽ bị chậm lại. Trong máu phụ nữ trải qua một đêm có nhiều ánh sáng, lượng melatonin thấp hơn mức bình thường do đó khối u phát triển nhanh hơn. Theo Andreas Hanel thì "cái khó là ở chỗ: người ta không biết chính xác độ sáng phải là bao nhiêu để có thể bị ảnh hưởng".

Theo các chuyên gia thì có nhiều vấn đề có thể tránh được, nếu người ta biết cẩn trọng hơn đối với ánh sáng, thí dụ nguồn sáng không chỉ chiếu đúng lòng đường mà chĩa sang cả hai bên thậm chí hắt cả ánh sáng lên trời.

Các chuyên gia Đức cho rằng cần có quy chế đối với việc chiếu sáng trên đường phố và nơi công cộng. Slovenia đã ban hành luật về chiếu sáng ngoài trời. Châu Âu dự kiến chậm nhất đến năm 2011 sẽ cấm sử dụng loại đèn hơi thủy ngân vì kém hiệu quả và giết hại côn trùng. Thay vào đó sẽ sử dụng rộng rãi loại đèn diod (LED). Tại Toulouse (Pháp) người ta đã áp dụng thử mô hình mới theo đó chỉ có một số diod liên tục chiếu sáng, số diod còn lại chỉ bắt đầu hoạt động khi được kích hoạt, đó là trên đường phố có người đi bộ hoặc đi xe đạp.

Việt Phương (Theo Sk&ĐS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này