Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Kinh hoàng nước đóng chai "siêu rẻ"

Nước uống đóng chai đã có mặt trên thị trường từ lâu và ngày càng "bành trướng". Người tiêu dùng chỉ cần 1 tin nhắn, 1 cuộc điện thoại là 1 bình nước 21 lít của hàng chục nhãn hiệu nước tinh khiết sẽ được đại lý mang đến tận nhà với giá cả rất phải chăng
Nước "tinh khiết" đóng chai cạnh nhà tắm
Trên thị trường hiện có hàng chục nhãn hiệu nước uống đóng chai của hàng chục nhà sản xuất như: Luso, Thanh Thiên, Lucky, Amiwa, Daily Vina, Aqua Blue, Friendly, Nako... với đủ loại giá cả chênh lệch từ 7.000 - 14.000 đồng/bình 21 lít.
Nước uống đóng chai được phân phối đến từng khu phố, từng cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ với điều kiện nhận làm đại lý vô cùng "đơn giản": Chỉ cần nhấc điện thoại gọi đến cơ sở là nước sẽ được chở đến tận nhà.
Hàng chục nhà sản xuất cùng cạnh tranh với nhau nên giá cả cũng theo đó mà... "loạn" theo. Một cán bộ thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, chi phí để sản xuất ra một bình nước 21 lít, chỉ tính phần nước trong bình là khoảng 6.000 - 7.000 đồng.
Nước "tinh khiết" đang được đóng bình trên sàn nhà
Thế nhưng có nhà sản xuất bỏ cho các đại lý chỉ khoảng từ 4.000 - 5.000 đồng/bình!? Tất nhiên là nhà sản xuất không bao giờ chịu lỗ mà đã tính toán "tiết giảm" tối đa qui trình, công đoạn làm nước tinh khiết. Đã vậy, nhiều nhà sản xuất không hề đưa ra mức giá khung hợp lý cho sản phẩm mang nhãn hiệu của mình khi tung ra thị trường nên đại lý phân phối có thể bán với bất kỳ giá nào, miễn là... có lãi!
Trong vai người mới mở cửa hàng tạp hóa và muốn làm đại lý tiêu thụ loại nước uống đóng chai có nhãn hiệu H... của Công ty N... chúng tôi tìm đến căn nhà trong hẻm theo địa chỉ in trên nhãn của bình nước tinh khiết vừa mua với giá 9.000 đồng/bình 21 lít.
Tiếp chúng tôi, ông C., chủ công ty sản xuất nước tinh khiết này tỏ ra rất vui vẻ, nhiệt tình khi nghe chúng tôi đề nghị được làm đại lý cho ông. Trong căn nhà cấp 4 có bề ngang khoảng 4m, bề dài khoảng hơn 15m với hàng trăm bình nước đủ mọi thương hiệu vứt la liệt trên sàn nhà, nơi vừa là văn phòng công ty, nơi ở của nhân viên, vừa là "nhà máy sản xuất" nước tinh khiết có tốc độ lọc lên đến... 1.000 lít nước tinh khiết/giờ! (theo lời giới thiệu của ông chủ).
Ông C. cho biết, nếu chúng tôi ở cùng phường, giá bỏ mối nước tại nhà sẽ là 5.000 đồng/bình 21 lít, nhưng nếu chúng tôi tự mua bình và mang đến công ty, ông sẽ bỏ hàng với giá chỉ... 4.000 đồng/bình 21 lít nước tinh khiết.
Sau khi thỏa thuận giá cả xong, ông C. dẫn chúng tôi đi tham quan dây chuyền sản xuất nước tinh khiết của mình. Khá bất ngờ, vì toàn bộ xưởng sản xuất nước chỉ nằm gọn trong 1 căn phòng tối chưa đến 10m2, sàn nhà lênh láng nước.
Hệ thống lọc là mấy chiếc bình inox lớn và mấy chiếc bình trông giống bình gas loại lớn. Theo ông C., đây là hệ thống lọc và khử trùng bằng tia cực tím và công nghệ thẩm thấu ngược.
Khi chúng tôi hỏi hệ thống súc rửa và khử trùng vỏ bình, đóng nước vào bình ở đâu, ông C. "hồn nhiên" trả lời rằng, nước được đóng bằng tay. Quả thực, "hệ thống" đóng nước vào bình có vẻ không được vệ sinh lắm với mấy chiếc vòi bằng nhựa PVC gắn trên tường vôi, ở dưới là rãnh nước làm bằng ximăng thô, không có vẻ gì là được khử trùng hay vô trùng cả.
Chưa hết, nhìn sang bên cạnh, chúng tôi còn "tá hỏa" hơn khi thấy chỗ tắm rửa của nhân viên với vòi hoa sen, máy nước nóng, xà bông, quần áo bẩn... gắn vào tường, thông trực tiếp với nơi sản xuất và đóng nước vào bình!
Sở y tế "chào thua" cơ sở sản xuất "chui" tại gia
Theo Sở y tế Hà Nội, cơ quan cấp phép và cấp hồ sơ công bố chất lượng cho các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn, thì Hà Nội hiện có khoảng 70 cơ sở được cấp phép hoạt động và được quyền sản xuất, phân phối nước uống đóng chai.
Theo kết quả kiểm tra lần gần đây nhất vào tháng 8-2010 tại 7 cơ sở sản xuất nước đóng chai tinh khiết, thì cả 7 cơ sở đều có những vi phạm: Về hạ tầng sản xuất chưa đạt, không kiểm nghiệm mẫu nước nguồn dùng để sản xuất 2 lần/năm theo quy định, nhân viên sản xuất không có kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa được khám sức khỏe để hạn chế vi khuẩn bệnh đường ruột lây lan sang sản phẩm.
Tháng 6-2010, Thanh tra Sở y tế cũng đã đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất nước uống đóng chai D.H (quận Cầu Giấy) vì chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa kiểm nghiệm mẫu nước, chưa công bố chất lượng... Ngoài ra, còn một số vi phạm nghiêm trọng khác về vệ sinh như: Nơi sản xuất tận dụng phía sau nhà ở, chật hẹp, tồn tại 1 nhà vệ sinh mở cửa trực tiếp vào khu sản xuất, nhân viên không được khám sức khỏe, không có bảo hộ lao động.
Tuy nhiên, theo một bác sĩ thuộc Thanh tra Sở y tế, quy trình sản xuất nước uống đóng chai hiện nay đã bị "tối giản" tới mức chỉ cần mấy mét vuông nhà, vài chiếc bình lọc... là đã làm ra được sản phẩm. Thế nên khả năng mặt hàng này bị làm giả, làm chui tại các hộ gia đình mà cơ quan quản lý chưa phát hiện được là rất lớn. Vì vậy, việc quản lý và kiểm tra những cơ sở sản xuất có đăng ký và cấp phép thì đã rõ, nhưng với những cơ sở... làm chui thì Sở cũng chào thua!
Theo một cán bộ thanh tra của Sở y tế Hà Nội cho biết: Hiện tại, mỗi năm các cán bộ thanh tra của Sở chỉ kiểm tra được rất ít cơ sở sản xuất, còn lại là đành... bỏ ngỏ! Do vậy, đối với những cơ sở làm chui hoặc lén lút đóng nước tại gia đình, thì cơ quan chức năng gần như bế tắc trong vấn đề phát hiện ra để xử lý.
Mặt khác, các lần kiểm tra chỉ tập trung vào thời điểm đầu năm hoặc tháng phát động vệ sinh an toàn thực phẩm, mỗi lần kiểm tra lại báo trước cho cơ sở sản xuất tận...10 ngày nên cơ sở có thừa thời gian "dọn dẹp" những vấn đề tồn tại như: Vệ sinh, sức khỏe nhân viên...
Một điều lỏng lẻo trong quản lý nữa là mặt hàng nước tinh khiết trên thị trường hiện nay sản xuất không hề có lô hàng rõ ràng nên khi có "vấn đề" lại càng khó kiểm soát, xử lý.
Không chỉ thế, mặt hàng này hiện cũng chưa có trong danh sách kiểm tra thường xuyên của Chi cục Tiêu chuẩn chất lượng đo lường nên việc ghi nhãn hàng hóa nhằm công bố chất lượng đến người tiêu dùng thế nào tùy thuộc vào... nhà sản xuất. Vì thế, không có cơ sở gì để đảm bảo rằng chất lượng nước giống như những gì ghi trên nhãn.
(Theo 24.com.vn )

Các mẫu bể bơi độc đáo

Các mẫu bể bơi độc đáo trên thế giới
Dưới đây là một sô mẫu bể bơi mà những nhà thiết kế bể bơi luôn quan tâm và có thể tao ra cho minh những ý tưởng mới khi thiết kế một bể bơi để phục vụ khách hàng


1. Bể vô cực

Bể bơi vô cực được đặt tại khu nghỉ mát cao cấp Alila Ubud tại Ubud, Bali. Trông nó phẳng lặng hệt như 1 màn hình soi bóng bầu trời trong vắt. Nếu được thỏa sức bơi lội giữa cảnh tượng này, ta sẽ có cảm giác như đang khuấy động thiên đường trong vắt.

 

2. Tàu tắm
Badeschiff là một chiếc sà lan cũ hay một container chở hàng hóa được biến đổi thành một bể bơi công cộng tại Berlin, Đức

   

3. Bể Sarojin
Bể bơi độc nhất vô nhị với một loạt thiết kế lều đảo giữa bể được xây dựng tại khu khách sạn nghỉ mát sang trọng Khao-Lak tại Thái Lan.

 

4. Bể bơi đại dương
Bể bơi "thông thoáng" với biển cả bao la này đặt tại Coogee (Sydney, New South Wales, Australia).


5. Bể bơi hình đàn guitar
Khá nhiều bể bơi được thiết kế giống hình cây đàn guitar khiến người ta có cảm giác hình dáng nhạc cụ như thế này đang ngày càng được ưa chuộng. Và chiếc bể guitar to nhất bên dưới là công trình kiến trúc đang góp phần điểm tô cho vùng Tamworth, New South Wales, Australia.


6. Bể bơi hình trái tim
Đến khách sạn Heartbreak đối diện với khu Graceland, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bể bơi dễ thương này.


7. Bể bơi xanh rêu
Một tác phẩm kỳ diệu khác tại Thái Lan. Hình dáng của "bể bơi" này tự nhiên như một vùng hồ xanh ngắt màu rêu.


8. Bể bơi dưới lòng đất
Được xây dựng tại Midway, Utah, bể Homestead Crater cao 16,764 mét. Nó là bể bơi từ đá vôi tự nhiên, lòng bể được lấp đầy bởi một lượng nước nóng đặc biệt, rất khác so với các bể bơi khác.

9. Bể bơi lướt sóng
Kể từ năm 1991, bể bơi Wave Loch đã kiêm thêm nhiệm vụ "lướt sóng hành tinh" với hàng loạt trò lướt sóng sôi động được khách đến bơi vô cùng ưa thích.


Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Giải độc” thực phẩm bằng khí ozon: con dao hai lưỡi


Hiện nay vấn đề thực phẩm không an toàn từ rau quả có dư lượng thuốc trừ sâu đến thịt gia cầm, gia súc nhiễm khuẩn hay có dư lượng chất tăng trưởng luôn là “điểm nóng”, gây nhiều bức xúc, quan ngại trong người tiêu dùng. Đó là lý do gần đây rộ lên phong trào sử dụng máy tạo khí ozon trong việc giải độc thực phẩm.
Nhiều người xem đó như là giải pháp tự bảo vệ mình cùng gia đình khỏi nguy cơ ngộ độc tiềm ẩn. Việc sử dụng ozon để rửa nhằm khử các loại nấm bệnh và thuốc bảo vệ thực vật dẫu có phần nào tác dụng nhưng thật sự tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.
Ozon là gì?
Ozon là một loại khí không màu, ở nồng độ tương đối cao có mùi hôi hơi tanh (trong tiếng Hi Lạp ozon có nghĩa là “mùi hôi”). Trong tự nhiên, ozon được tạo ra từ khí oxy dưới tác động của tia cực tím (tử ngoại, UV) từ ánh sáng mặt trời, hay khi sét đánh, từ các hoạt động của động cơ (tàu, xe...). Thậm chí trong đời sống hăng ngày, máy photocopy, tivi khi hoạt động cũng tạo ra một lượng nhỏ khí ozon.
Đặc tính hóa học của ozon là có khả năng phản ứng rất mạnh, phân hủy nhiều chất hữu cơ, tiêu diệt bào tử nấm và vi khuẩn. Vì thế, nó được sử dụng như là chất diệt khuẩn trong công nghiệp sản xuất nước, nước uống đóng chai. Cạnh đó, nó còn có tác dụng khử mùi hóa chất, mùi tanh của hải sản, khử màu của nhiều dung dịch. Đôi khi ozon được dùng để bảo quản rau quả, thực phẩm.
Ngoài ra, nó còn được dùng trong ngành y tế để rửa các dụng cụ y khoa, rửa vết thương, rửa tay trước khi mổ... Một đặc tính nổi bật của ozon là sau khi xử lý bản thân nó lại biến thành dưỡng khí (oxy), hoàn toàn không độc hại.
Ozon không phân biệt được chất độc hại hay bổ dưỡng
Theo một số mẩu quảng cáo, tác dụng của ozon có vẻ mang tính “huyền thoại” như có thể “phân hủy hoàn toàn thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản thực phẩm trên rau và hoa quả, diệt sạch đến 99,999% (?!) vi khuẩn, khử mùi hôi tanh trên thực phẩm”, hay có thể “loại bỏ tới 99% thuốc trừ sâu bám trên bề mặt rau quả, tiêu diệt nấm mốc, hóa chất ướp thịt cá, khử trùng, diệt khuẩn 100%”...
Trong thực tế đúng là ozon có khả năng phân hủy thuốc trừ sâu (và các thuốc bảo vệ thực vật nói chung). Tuy nhiên việc phân hủy này hiệu quả đến đâu còn tùy loại thuốc, có loại bị phân hủy ngay trong 30 phút nhưng cũng có loại phải ngâm đến sáu giờ mới phân hủy hoàn toàn, và khả năng phân hủy cũng tùy lượng ozon được đưa vào (nghĩa là tùy vào công suất, chất lượng máy phát ozon).
Tiến sĩ Brian Wild - chuyên gia ngành sau thu hoạch của Viện Nghiên cứu rau hoa quả Gosford, Bộ Nông nghiệp New South Wales, Úc - đã tiến hành thí nghiệm tác dụng của ozon. Kết quả cho thấy với cam, chanh thì một số loại thuốc bị phân hủy khoảng 60% sau một giờ, 80% sau ba giờ và 100% sau sáu giờ. Trong thực tế, thường không ai rửa rau quả bằng ozon quá 10-15 phút.
Bên cạnh đó, ozon chỉ có thể phân hủy thuốc trừ sâu, vi khuẩn trên bề mặt thực phẩm, nếu các loại hóa chất, vi khuẩn này thấm vào bên trong thì cũng “bó tay”. Do đó, đừng nghĩ rằng với các loại virus gây bệnh H1N1 hay H5N1, lở mồm long móng... thì chỉ cần bỏ cả miếng thịt vào nước, sục ozon là loại bỏ được vi khuẩn hoàn toàn.
Hơn nữa, ozon không phân biệt được chất độc hại hay chất bổ dưỡng. Nghĩa là cứ gặp hóa chất trong thực phẩm là nó phân hủy, do đó một phần chất hữu ích bị mất đi do tác dụng của ozon. Cần chú ý thêm một câu hỏi rất khó giải đáp là liệu sau khi bị ozon phân hủy thì các thuốc trừ sâu đó sẽ tạo thành các chất mới độc tính đến đâu, ít độc hơn bản thân thuốc trừ sâu hay ngược lại?
Ozon gây ngộ độc
Một tác dụng ngược của ozon cần được cảnh báo: để có tác dụng phân hủy các hóa chất, sát khuẩn thì máy tạo khí ozon phải đạt nồng độ ozon đủ lớn. Nhưng khi đó, ozon thoát ra từ quá trình sục rửa thực phẩm có hại cho sức khỏe của người sử dụng, nhất là đối với những người phổi yếu hoặc hen suyễn. Khí ozon dễ gây ra những bệnh về hô hấp như viêm phế quản, viêm mũi... chủ yếu ở hệ thần kinh và đường hô hấp.
Ngộ độc ozon thường bắt đầu bằng triệu chứng nhức đầu, khó thở, ho khan. Nặng hơn nữa thì bị hen suyễn hoặc tổn thương thị giác, hư thủy tinh thể dẫn đến mù lòa. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quy định ngưỡng an toàn của ozon là 0,06 ppm (0,06ml ozon/1 lít không khí). Cho nên khi bắt đầu ngửi được mùi hôi tanh của ozon (khi đó nồng độ ozon khoảng 0,02-0,05 ppm) thì nên tránh xa ngay, nhất là với người bị bệnh hen suyễn hoặc trẻ em. Ngoài ra, khí ozon cũng có thể làm hư hại các vật liệu bằng cao su và làm hoen gỉ nhanh các vật bằng kim loại trong nhà.
Hiệu quả của máy ozon?
Hiện nay tại thị trường TP.HCM, mặt hàng máy tạo khí ozon được bày bán khá nhiều, đa số là hàng ngoại nhập, một số ít do các cơ sở trong nước sản xuất, lắp ráp, với giá bán phổ biến từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/máy (cá biệt có loại lên đến gần 20 triệu đồng). Tuy nhiên, về phương diện chất lượng thì... thật khó nói vì ở nước ta mặt hàng này hiện còn nằm ngoài sự kiểm tra, giám sát. Lý do vì máy ozon là mặt hàng không nằm trong danh mục phải kiểm tra về chất lượng theo quyết định 50/2006 của Bộ Khoa học - công nghệ (về việc ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng).
Công dụng khử độc, diệt khuẩn của máy ozon là có, nhưng nói chung máy tốt phải đòi hỏi kỹ thuật cao, hiệu suất tạo ra phải phù hợp: nếu thừa ozon sẽ nguy hại cho người sử dụng, ngược lại nếu lượng ozon thấp thì không có tác dụng.
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động máy còn tạo ra oxit nitơ (NO2) rất hại cho đường hô hấp. Một máy ozon đúng tiêu chuẩn cần phải có bộ phận xử lý làm khô không khí (thiết bị khử ẩm) để khắc phục tình trạng tạo ra NO2. Nhưng hiện đa số các máy ozon bán trên thị trường đều không có bộ phận này vì làm giá thành máy tăng cao.
Tóm lại, nếu muốn sử dụng phải chọn lựa cẩn thận loại máy ozon đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Khi dùng máy ozon nên sử dụng nơi thoáng gió, có thể dùng quạt thông gió. Người sử dụng nên tránh xa máy khi đang hoạt động. Trong trường hợp không dùng máy, người tiêu dùng có thể ngâm thực phẩm vào dung dịch nước muối loãng khoảng 15-30 phút, sau đó rửa dưới dòng nước chảy để loại bỏ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất có hại khác trước khi sử dụng. Phương pháp này được xem là đơn giản, ít tốn kém và khá an toàn trong điều kiện hiện nay.  
                                                                                                                                                                                                      Sưu tầm


Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

CHIẾC LÁ HOÀN HẢO


Có một cậu sinh viên và một người Thầy lớn tuổi đang trao đổi với nhau về sự hoàn hảo. Chàng thanh niên với sức khỏe và lòng nhiệt huyết luôn muốn đi tìm cho mình mọi sự hoàn hảo.
Người Thầy đã chú ý lắng nghe và thấu hiểu cậu sinh viên. Với bao nhiêu năm sống và hiểu biết bao chuyện xảy ra, ông nhẹ nhàng nói với cậu sinh viên:
- Tôi có thể đề nghị cậu làm một việc không, con trai?
- Dạ. Cháu rất sẵn lòng.
- Phía trước mặt chúng ta là sân cỏ. Cậu có thể ngắt cho tôi một lá cỏ mà cậu cho là đẹp nhất và hoàn hảo nhất không? Với điều kiện cậu chỉ được đi thẳng về phía trước và chọn, không được bước lùi lại.
Cậu thanh niên đứng dậy và bắt đầu tìm kiếm. Bước bước chân đầu tiên vào sân cỏ, cậu nhìn xuống chân và thấy một lá cỏ thật xanh mướt, cậu toan đưa tay định ngắt lá cỏ. Nhưng... cậu phóng tầm mắt lên phía trước, toàn một màu xanh ngắt và những lá cỏ đẹp hơn.
Cậu thanh niên bắt đầu bước tiếp bước chân thứ 2... rồi bước chân thứ 3... nhưng cũng như những lần trước, khi định ngắt những lá cỏ dưới chân, cậu lại thấy những lá khác phía trước...
... Cứ thế...
... Cứ thế...
Cậu rảo bước, tìm kiếm... tìm một lá cỏ thật hoàn hảo. Nhưng... cậu có biết đâu, mãi mê tìm kiếm, cậu đã đi đến phía bên kia khoảng sân. Ở bước chân cuối cùng ấy, với một khoảng cỏ nhỏ nhoi trước mặt, cậu đành ngắt một lá cỏ đẹp nhất trong đó và trở lại nơi người thầy. Mặt cậu không còn hào hứng như lúc đầu, có lẽ cậu đã hiểu ý nghĩa công việc cậu vừa làm. Lặng lẽ đến bên người Thầy, cậu đưa ra lá cỏ. Cầm lá cỏ trên tay, người Thầy mỉm cười hiền hòa bảo cậu ngồi xuống và nhẹ nhàng:
- Thế đấy con trai. Trong cuộc đời mỗi con người là vô số sự lựa chọn. Cũng như lựa chọn một lá cỏ, nếu con biết bằng lòng và không mãi tìm kiếm hẳn con đã có được một lá cỏ hoàn hảo hơn rồi. Con người cũng vậy, họ luôn để cơ hội qua đi rồi mới bắt đầu nuối tiếc. Hãy suy nghĩ về câu chuyện ngày hôm nay, con trai nhé!
Thật ra, luôn có sự hoàn hảo. Chỉ là bản thân mỗi người không tự bằng lòng với sự hoàn hảo ấy. Chợt nhớ đã nghe đâu đó: "đừng để đến khi vụt mất rồi mới vội quay lưng tìm kiếm".

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Tim hiểu chuyên sâu về trị số pH


Trị số pH của một chất lỏng là đơn vị đo lường cho tính axit, trung tính hay kiềm của chất lỏng đó. Mỗi lọai axit đều chứa ion H+ và mỗi lọai chất kiềm đều chứa ion OH-. Nồng độ các ion này xác định họat tính của axit hay kiềm của dung dịch.


Theo thuyết phân li của Arrhenius thì trong mỗi dung dịch có một phần các phân tử trung hòa phân li thành ion dương hay ion âm. Tỉ lệ số phân tử phân li và tòan thể phân tử được gọi là độ phân giải. Vì các ion chuyển tải điện tích, cho nên càng nhiều các phân tử được phân li, dung dịch dẫn điện càng tốt.
Nước tinh khiết dẫn điện rất kém, do có rất ít phân tử nước bị phân li. Khi phân li, nước có thể được viết dưới công thức:
H2O<=> H+ + OH-
Số lượng ion H+ và ion OH- bằng nhau, do đó nước trung tính.
Ở trạng thái cân bằng ta có: k={[H+].[OH-]}/[H2O] (1)
[H2O]: Nồng độ của nước tính theo Mol/l.
[H+]: Nồng độ của ion H+ tính theo g-ion/l.
[OH-]: Nồng độ của ion OH- tính theo g-ion/l.
k: Hằng số phân li của nước.
Từ phương trình (1) ta có hằng số phân li của nước ở nhiệt độ 25 độ C với trị số 1,8.10E(-16) trong các dung dịch có nước, số phân tử của nước chưa phân li chiếm đa số. Hay nói cách khác vì nước có độ phân li rất thấp, cho nên ta có thể coi nồng độ chưa phân li của nước bằng nồng độ tòan phần của nước.
Một lít nước ở nhiệt độ 25 độ C nặng 997g. Như vậy trong một lít nước ở 25 độ C chứa 997/18 = 55,3 Mol nước. Trị số này thực tế không thay đổi, do đó ta có tích số :
[H+].[OH?] = k.[H2O]
[H+].[OH?] = 1,8.10E(-16).55,3
[H+].[OH?] = 1,0.10E(-14)
Tích số này là tích số ion của nước. Trị số của tích số này chỉ có giá trị ở 25 độ C, tuy nhiên nó cũng có giá trị cho tất cả tích số ion của các dung dịch khác. Điều đó có nghĩa rằng: Tích số của nồng độ H+ và nồng độ OH- cho tất cả các dung dịch có nước ở cùng một nhiệt độ là một hằng số. Trong nước tinh khiết có số lượng ion H+ bằng số ion OH-. Do đó:
[H+] = [OH-] = 10E(-7) g-ion/lit
Vậy trong 10 triệu lít nước tinh khiết ta có 1g ion H+ và 17g ion OH- !
Nếu ta cho axít vào nước, nồng độ ion H+ tăng lên. Đồng thời nồng độ ion OH- bắt buộc phải giảm đi.
Nếu ta cho một chất kiềm vào nước, nồng độ ion OH- tăng lên. Đồng thời nồng độ ion H+ bắt buộc phải giảm đi.
Trong cả hai trường hợp tích số [H+].[OH?] ở 250C luôn bằng 10E(-14) .
Nói tóm lại nếu cho kiềm hay axít vào nước thì tích số ion H+ và ion OH- không thay đổi và giữ một trị số cố định là 10E(-14). Khi biết nồng độ ion H+ trong một dung dịch có nước, ta có thể tính được nồng độ ion OH- dễ dàng. Do đó nồng độ ion H+ không chỉ cho biết tính chất axít của một dung dịch mà còn là thước đo tính chất kiềm của một dung dịch. [H+] còn có thể hiểu là họat tính của nồng độ hiện dụng của ion H+.
Năm 1909 Sørensen đề xuất khái niệm pH (potentia Hydrogenii)
Thay vì nồng độ ion H+ người ta thay vào đấy trị số pH.
pH là (-1) nhân với logarit thập phân của nồng độ ion H+ tính theo g-ion/lit.
pH = log 1/[H+] = -log [H+] (2)
Như vậy với [H+] = 10E(-7) g-ion/lít, nước tinh khiết có độ pH = 7.
Theo thời gian, người ta nhận thấy rằng định nghĩa của trị số pH do Sørensen đề xuất không thỏa mãn yêu cầu thực tế. Thay vào đấy là một định nghĩa khác: 
pH = -log aH+ (3)
aH+ là họat tính của ion hydro.
Họat tính này chịu ảnh hưởng của 3 thông số fm, fH+ và mH+
pH = -log aH+ = -log (fm . fH+ . mH+)
fm là hiệu ứng môi trường:
Tính axít phụ thuộc một cách tương đối vào môi trường hòa tan và nhiệt độ. HCl khi được pha trong ethanol có tính axít mạnh gấp 200 lần so với khi pha trong nước. Đối với dung dịch có nước fm được coi như bằng 1 cho tất cả các nhiệt độ.
fH+ là hiệu ứng muối:
Tính axít cũng phụ thuộc vào độ bền ion tòan phần trong một dung dịch. Sự ảnh hưởng này do hiệu ứng muối. Ví dụ với 0,01 mol HCl và nước ngyuên chất ta có trị số pH = 2,00. Nhưng nếu ta pha thêm 0,09 mol KCl trị số pH gia tăng lên 2,10 !
mH+ là nồng độ ion hydro:
Đó là số mol ion H+ trong một kg chất hòa tan.
Họat tính thay vì nồng độ:
Ngày nay thang họat tính pH = -log aH+ được chấp nhận một cách phổ thông vì:
1. Chính họat tính của ion hydro xác định tính axít của một dung dịch chứ không phải nồng độ.
2. Họat tính của ion hydro có thể được đo bằng các điện cực nhạy cảm với ion hydro.
Sự liên hệ giữa các định nghĩa cũ có thể được tính gần đúng như sau:
pH = pHSørensen +0.04
Với (2) pH = -log [H+] là định nghĩa lý thuyết.


Thang đo pH trải dài từ 0 đến 14. Axit có trị số từ 0-7 và chất kiềm từ 7-14. Trị số pH có thể đạt đến –1 (axít đậm đặc) và +15 (kiềm đậm đặc).
Trị số pH chỉ là một con số không có đơn vị. Ví dụ: Một dung dịch có trị số pH = 5, không được viết là dung dịch có 5pH ! 







Hình 1: Chỉ số pH của một số chất trong thiên nhiên và quá trình sản xuất công nghiệp.




Vì thang đo pH là thang logarit, cho nên khi trị số pH thay đổi 1 số ta có sự thay đổi nồng độ với hệ số 10.





Hình 2: Thang đo pH và nồng độ ion


Có một số các phẩm màu thay đổi màu sắc khi trị số pH thay đổi. Với phương pháp so màu trị số pH không thể xác định chính xác được. Ngày nay người ta dùng phương pháp đo điện tử để xác định trị số pH một cách chính xác hơn.


Đo nồng độ ion H+ bằng phương pháp điện tử.


Nhúng một thanh kim lọai vào dung dịch có muối của nó, có 2 trường hợp xảy ra:
1. Các nguyên tử kim loại đi vào trong dung dịch.
Mc =>Mcn+ + n.e-
Trường hợp này một số electron tự do ở lại trên kim lọai và phát sinh sự dư electron.
2. Các ion kim lọai trong dung dịch bám phủ lên bề mặt thanh kim lọai
Mcn+ + n.e- =>Mc
Trường hợp này phát sinh sự thiếu electron trên kim lọai.
Trường hợp dư electron trên kim lọai, thanh kim lọai có điện tích âm và có điện thế âm so với dung dịch.
Trường hợp thiếu electron, ta có một tình thế ngược lại.
Như thế khi nhúng thanh kim lọai vào dung dịch muối của chúng, một điện thế giữa ranh giới thanh kim lọai và dung dịch được hình thành. Trị số của điện thế này tùy thuộc vào kim lọai và nồng độ dung dịch muối, nhiệt độ và vài yếu tố khác. Trị số này được viết dưới phương trình Nernst:


E = E0 + 2,303.(RT/F)logC [V] (4)
E0: Điện thế chuẩn (được cho = 0)
R: Hằng số khí = 8,136 Volt Coulomb/K.mol
F: Điện tích Faraday tương đương 96439 Coulomb/mc
C: Nồng độ ion kim lọai trong dung dịch
T: Nhiệt độ (K)
Để có một dòng điện đo được, ta cần có một mạch điện khép kín. Để đo điện thế E ta cần có thêm một điện cực chuẩn (còn gọi là điện cực so sánh, điện cực qui chiếu) có điện thế biết trước và không thay đổi theo nhiệt độ hay trị số pH của dung dịch. Điện cực này được mắc nối tiếp với điện cực đo (Hình 3). Điện cực a được nhúng vào dung dịch b có trị số pH cần được đo. Trong khi đó dung dịch c có nồng độ ion H+ cố định và được biết trước cho điện cực d một điện thế không đổi. Dung dịch b và c được ngăn cách bở 1 vách xốp, ion có thể qua lại vách xốp này. Với đồng hồ đo f ta đo được hiệu điện thế.
Như vậy để đo trị số pH bằng phương pháp điện tử ta cần 2 điện cực: một điện cực gọi là điện cực đo và một điện cực gọi là điện cực chuẩn.





Hình 3: Nguyên tắc đo nồng độ ion H+ với điện cực đo và điện cực chuẩn


Khi hai điện cực đo và điện cực chuẩn cùng được nhúng vào một dung dịch, một hiệu số điện thế giữa hai điện cực đo được hình thành theo định luật Nernst Theo (4) và với định nghĩa lý thuyết của pH theo (2)
V = Vđo - Vchuẩn = V0 + 2,303.(RT/F).(pHb-pHc) (5)
V = V0 –VN(T). DpH (6)
Với VN(T) = 2,303.(RT/F) (7)
Với cách diễn tả này, điện thế đo được có sự liên hệ tuyến tính với trị số pH. Độ dốc VN(T) của đường thẳng này bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ còn gọi là điện thế Nernst.
Tiếp theo ta lần luợt khảo sát các lọai điện cực đo và điện cực chuẩn, thường cả hai điện cực này được ghép chung với nhau thành điện cực tổng hợp để thao tác cho đơn giản.


Điện cực Antimon và điện cực Wismut


Điện cực Antimon được làm bằng một thanh Antimon hay một thanh kim lọai hay một thanh graphit có tráng Antimon. Ở trạng thái cân bằng điện thế có được từ:
Sb + 3OH- <=> Sb(OH)3 + 3e-
Tùy theo mục đích sử dụng mà đường kính của điện cực có kích thước thích hợp. Dù rằng độ chính xác không cao DpH = ± 0.2, nhưng cách sử dụng đơn giản, bền chắc. Điện cực Antimon được dùnh nhiều trong công nghiệp hay dùng để đo độ pH của đất. Sau thời gian sử dụng khá lâu, bề mặt của điện cực bị phủ một lớp oxit, trị số pH đo được không còn chính xác. Do đó lâu lâu cần vệ sinh điện cực (một cách cẩn thận!). 
Dải đo của điện cực Antimon kéo dài từ 0,4-12,5 pH.
Điện thế của điện cực Antimon có thể bị ảnh hưởng bởi các hiệu ứng gây nhiễu khi dùng với dung dịch có tính khử mạnh (H2S), oxit hóa mạnh (Cl2), có sự hiện diện của dầu hay muối mạnh. Độ dẫn điện của nước cần đo trị số pH với điện cực Antimon cần có trị số ít nhất 150 mg NaCl/l. Nhiệt độ của điện cực Antimon ảnh hưởng đến trị số của pH đo được như sau. Trong khỏang từ 100C-600C, với Dt = T2 - T1 ta có sự thay đổi DpH so với trị số pH ở T1:
DpH = Dt (0,015+0,0024 pH)
Trong hình 4 cho ta cấu trúc của 1 điện cực antimon với điện cực chuẩn là Ag/AgCl. Cấu trúc của điện cực Wismut cũng giống như điện cực Antimon, ở trạng thái cân bằng, điện thế tùy thuộc vào trị số pH được tạo bởi:
Bi + 3OH- <=> Bi(OH)3 + 3e-
Trong khi điện cực antimon được sử dụng ở môi trường nghiêng về axít, điện cực wismut được sử dụng ở môi trường nghiêng về kiềm. Cũng như điện cực antimon, sau một thời gian sử dụng, bề mặt kim lọai của wismut cần được chà sạch lớp oxit. Dải đo trải dài từ 6-14.


Nguồn : Aquabook

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Tìm hiểu về độ pH trong nước ăn uống và sinh hoạt


         1. Định nghĩa pH:
          pH là một chỉ số xác định tính chất hoá học của nước. Thang pH chỉ từ 0-14; Về lý thuyết, nước có pH = 7 là trung tính. Khi pH > 7, nước lại mang tính kiềm. Thang tính pH là một hàm số Logarrit. Ví dụ pH = 5 có tính a xit cao gấp 10 lần pH = 6, gấp 100 lần so với pH = 7. Theo tiêu chuẩn, pH của nước sử dụng cho sinh hoạt là 6,0 – 8,5 và của nước ăn uống uống là 6,5 – 8,5.
          Người ta thường đo độ pH của nguồn nước để:
          - Đánh giá khả năng ăn mòn kim loại đối với đường ống, các vật chứa nước.
          - Đánh giá nguy cơ các kim loại có thể hoà tan vào nguồn nước như chì, đồng, sắt, cadmium, kẽm… có trong các vật chứa nước, trong đường ống.
          - Tiên liệu những tác động tới độ chính xác khi sử dụng các biện pháp xử lý nguồn nước. Các quy trình xử lý, thiết bị xử lý thường được thiết kế dựa trên pH giả định là trung tính (6 – 8). Do đó, người ta thường phải điều chỉnh pH trước khi xử lý nước.
          2. Ảnh hưởng của độ pH:
         - pH ảnh hưởng đến vị của nước.
         - Nguồn nước có pH>7 thường chứa nhiều ion nhóm carbonate và bicarbonate (do chảy qua nhiều tầng đất đá). Nguồn nước có pH < 7 thường chứa nhiều ion gốc axit. Bằng chứng dễ thấy nhất liên quan giữa độ pH và sức khỏe của người sử dụng là nó làm hỏng men răng.
         - pH của nước có liên quan đến tính ăn mòn thiết bị, đường ống dẫn nước và dụng cụ chứa nước. Đặc biệt, trong môi trường pH thấp, khả năng khử trùng của Clo sẽ mạnh hơn. Tuy nhiên, khi pH > 8,5 nếu trong nước có hợp chất hữu cơ thì việc khử trùng bằng Clo dễ tạo thành hợp chất trihalomethane gây ung thư.
         - Ảnh hưởng của pH tới sức khoẻ: Trong nước uống, pH hầu như rất ít ảnh hưởng tới sức khoẻ, trừ khi cho trẻ nhỏ uống trực tiếp, trong thời gian tương đối dài (ảnh hưởng đến hệ men tiêu hoá). Tuy nhiên tính a xít (hay tính ăn mòn) của nước có thể làm gia tăng các ion kim loại từ các vật chứa, gián tiếp ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
          - Nguyên nhân làm cho nước có pH thấp: Nước mang tính A xit (pH thấp) thường do các nguyên nhân địa lý gây ra, ví dụ như mưa a xít,…
          3. Các dấu hiệu của pH thấp
          - Thường dễ thấy nhất là các vết mờ màu xanh rêu trên các vật chứa bằng đồng, các vết nâu đỏ trên các vật bằng sắt thép. Dấu hiệu khó thấy hơn là các vật dụng kim loại bị mòn dần (dấu hiệu ăn mòn của axit)
          - Xét nghiệm pH của nước giếng: Với các dụng cụ đo đạc tinh xảo, các phòng thí nghiệm sẽ cho kết quả chính xác nhất. Tuân thủ chỉ dẫn của phòng thí nghiệm để việc lấy mẫu không bị sai lệch. Các dụng cụ cầm tay, các bộ thử nhanh chỉ có thể cho ra các con số tương đối.
          4. Cách điều chỉnh khi pH quá thấp:
           - Sử dụng bộ lọc trung hòa:
           Nếu pH không quá thấp, có thể dùng các bộ lọc có vật liệu chính là Calcite (từ đá vôi) hoặc magnesia (magnesium oxide) để nâng pH. Bộ lọc kiểu này có khả năng lọc cặn nên cần thường xuyên rửa ngược, tránh gây tắc nghẽn. Các vật liệu trong bộ lọc tan từ từ và hao hụt dần. Vì thế nên thường xuyên kiểm tra và bổ sung định kỳ.
          - Phương pháp này thường làm tăng lượng can xi và làm cho nước bị cứng hơn. Do đó cần theo dõi độ cứng để có phương pháp điều chỉnh thích hợp. Nếu độ cứng quá cao, lại cần phải làm mềm. Muốn vật liệu sử dụng lâu bền hơn, nên trang bị thêm lọc cặn thô phía trước.
 
          - Điều chỉnh pH bằng hoá chất:
          Với quy mô lớn hoặc khi pH quá thấp, thường dùng bơm định lượng để châm soda hoặc hỗn hợp Soda và Hypochlorite. Việc điều chỉnh bơm sẽ được tính toán dựa trên thực tế, cân đối giữa các tham số: lưu lượng bơm, độ pH, nồng độ dung dịch hoá chất để đảm bảo pH tăng vừa đủ. Khi nguồn nước bị ô nhiễm sắt hoặc nhiễm khuẩn, việc điều chỉnh nồng độ dung dịch soda, hypochlorite sẽ phức tạp hơn. Trong một số trường hợp, có thể sẽ dùng Kali để nâng pH, nhưng phải tính toán kỹ lưỡng để không gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
          Thật ra nâng pH dùng hóa chất có rất nhiều cách: Nước thải dùng NaOH là hiệu quả nhất.. Về lưu lượng nhỏ thì nâng pH bằng hạt L.S là đạt rồi (pH= 5).
          - Phương pháp thủ công:
          Nếu muốn tăng pH lên có thể hòa vào một ít nước vôi trong đây chính là hidroxitcanxi sẽ làm cho pH của nước tăng lên từ 6,5-8,0. Đối với nước ao, hồ mưa nhiều ngày liên tục sẽ làm cho pH ở ao hồ xuống dưới 6,5 do đó người ta rắc vôi bột  để điều chỉnh pH, vì vôi là ôxitcanxi khi cho vào nước sẽ tạo thành CaCO­­­3 kết tủa và hydroxitcanxi tan trong nước Ca(OH)2. Vì độ pH thấp quá sẽ gây cho cá lồi mắt và một số bệnh khác, hơn nữa canxi cũng là chất điện giải không thể thiếu đối với con người cũng như cá vậy.
           - Sử dụng hạt nâng pH  L.S: 
          + Thành phần hóa học cơ bản là CaCO3 > 90%
          + Kích thước hạt: 1,5-2,5mm.
          + Tỷ trọng: 1.500 kg/m3
          +  Dạng hạt màu trắng sữa, cứng, khô rời, có góc cạnh.
         * Ưu điểm :
          - Không cần sử dụng hóa chất và các thiết bị đi kèm như bình pha hoá chất, bơm định lượng.
          - Không tạo độ pH quá cao. Không tạo màng trên bề mặt nước. Nếu ngâm lâu trong nước sẽ tạo độ pH ổn định khoảng 7,5.
          - Vận hành đơn giản.
          - Giá cả thấp hơn nhiều so với các loại vật liệu ngoại nhập.
          - Có thể đưa vào bể lọc đang sử dụng mà không cần thay đổi cấu trúc bể lọc.
         * Phạm vi ứng dụng :
          - pH nước đầu vào > 4,0.
          - Vận tốc lọc: 5-15 m/giờ. Có thể sử dụng trong các bể lọc hở hoặc lọc áp lực.
          - Hướng lọc: từ trên xuống.
          - Hạt L.S không cần hoàn nguyên. Sau một thời gian sử dụng từ 6 tháng đến 1 năm (tùy theo chất lượng nước nguồn) cần bổ sung hạt.
          * Khuyến cáo sử dụng :
          - Hạt L.S có thể sử dụng kết hợp với ODM-2F, ODM-3F, cát thạch anh để nâng pH, tạo độ trong cho nước đồng thời khử các chất ô nhiễm khác, nếu có, trong nguồn nước. Khi sử dụng kết hợp, phải bố trí hạt L.S phía trên cùng của bình lọc.
          - Ngoài ra, hạt L.S có thể được sử dụng riêng lẻ trong một thiết bị chỉ với mục đích nâng pH. Để tăng độ trong của nước nên lót đáy bể lọc bằng một lớp cát thạch anh. Cần lưu ý, việc sử dụng L.S sẽ làm tăng độ cứng của nước.
          - Độ dày lớp hạt L.S có thể điều chỉnh theo độ pH của nước nguồn, dao động từ 0,1-0,5 m đối với pH từ 6,0-4,0 và tốc độ lọc nhỏ hơn 15 m/giờ.
          - Rửa lọc: khi sử dụng kết hợp với các vật liệu lọc khác có thể tiến hành rửa lọc như trường hợp bể lọc cát thông thường.

Tìm hiểu chỉ số TDS (tổng nồng độ chất rắn hòa tan trong nước)


Chỉ số TDS thường được nhắc tới khi đo kiểm tra nguồn nước, vậy TDS là gì ? Chỉ số này có liên quan thế nào với nước tinh khiết và làm thế nào để làm giảm chỉ số này trong nước?

TDS là gì?

TDS : Total Dissolved Solids  - Tổng chất rắn hoà tan, là tổng số các ion mang điện tích, bao gồm khoáng chất, muối hoặc kim loại tồn tại trong một khối lượng nước nhất định, thường được biểu thị bằng hàm số mi/L hoặc ppm (phần ngìn). TDS thường được lấy làm cơ sở ban đầu để xác định mức độ sạch/ tinh khiết của nguồn nước.

TDS từ đâu ra?

Chất rắn hoà tan đang nói đến ở đây tồn tại dưới dạng các ion âm và ion dương. Do nước luôn có tính hoà tan rất cao nên nó thường có xu hướng lấy các ion từ các vật mà nó tiếp xúc. Ví dụ, khi chảy ngầm trong lòng nói đá, nước sẽ lấy các ion Can-xi, các khoáng chất. Khi chảy trong đường ống, nước sẽ lấy các ion kim loại trên bề mặt đường ống, như sắt, đồng, chì (ống nhựa)

Quan hệ giữa TDS và sự tinh khiết

Theo các quy định hiện hành của WHO, US EPA, và cả Việt Nam, TDS không được vượt quá 500 đối với nước tinh khiết và không vượt quá 1000 đối với nước sinh hoạt
TDS càng nhỏ chứng tỏ nước càng tinh khiết. Một số ứng dụng trong ngành sản xuất điện tử yêu cầu TDS không vượt quá 5.
Tuy nhiên, điều ngược lại không phải luôn đúng. Nguồn nước có TDS cao chưa chắc đã không an toàn, có thể do nó chứa nhiều ion có lợi. Các loại nước khoáng thường không bị giới hạn về TDS.

Khi nào cần giảm TDS

Khi đo thấy chỉ số TDS cao, cần tiếp tục phân tích mẫu nước để xác định thành phần các ion chủ yếu và đối chiếu với các ứng dụng thực tế để quyết định có cần giảm TDS hay không.
Ví dụ đối với nước dùng cho nồi hơi, nước cho máy giặt công nghiệp phải không có các ion can-xi, ma-giê, tránh tình trạng nổ lò hơi hoặc giảm tuổi tho máy giặt... Nếu TDS cao do nhiều ion can-xi, magiê, bắt buộc phải loại bỏ hết ...
Đối với nước khoáng, cũng cần xác định thành phần khoáng để có biện pháp lựa chọn giữ lại hoặc giảm bớt.

Các phương pháp giảm TDS

Khi biết thành phần chính của TDS sẽ có thể áp những phương pháp thích hợp:
Trao đổi ion
Khử ion
Thẩm thấu ngược( máy lọc nước R.O)
Chưng cất

Tìm kiếm Blog này