Thứ Tư, 1 tháng 7, 2009

Đi bơi - Ngụp lặn trong hóa chất

Nhiều người đổ xô đến các bể bơi để xua đi cái nóng nực, oi bức của mùa hè. Tuy nhiên, chẳng mấy ai nghĩ rằng mình đang ngụp lặn trong những bể bơi đầy hóa chất và vô số các nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm đang rình rập.
Nước trong không hẳn đã "sạch"
Ngoại trừ một số bể bơi quá cũ kỹ, phục vụ với "giá bèo", đa phần các bể bơi tại Hà Nội hiện nay dường như đã cải thiện được chất lượng nước, làm khách bơi yên tâm hơn. Do chúng ta vẫn thường quen với suy nghĩ rằng nước bể bơi bẩn nghĩa là màu nước phải đục ngầu, xanh lét do rêu tảo, hay có cặn bẩn lo lửng trong nước hoặc mặt nước nổi bọt vàng. Cho nên dưới cái nóng thiêu đốt của mùa hè, khi bước vào những bể bơi có làn nước trong xanh, mát rượi, chẳng ai còn nghi ngại rằng bể bơi này không sạch.



Ngoài những tác hại do hóa chất gây ra cho da, nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm cũng luôn rình rập người bơi, chẳng hạn các bệnh da liễu như ghẻ, hắc lào, các bệnh dịch như đau mắt đỏ, hay dịch tả, lị
Tuy nhiên, trên thực tế "sạch" về mặt cảm quan không có nghĩa là đã an toàn cho sức khỏe. Với lượng khách đến bể đông như vậy khiến cho các bể bơi đều phải hoạt động hết công suất, thì việc nghỉ bảo dưỡng, thay lọc nước dường như là điều hết sức khó khăn. Phần lớn các bể bơi đều phải phụ thuộc vào hóa chất. Đối với các bể "chịu khó" thay nước định kỳ, việc sử dụng hóa chất có thể ít hơn hoặc các bể có trang bị hệ thống bơm tuần hoàn thì ít phải thay lọc nước hơn, tuy nhiên không một bể bơi nào không phải sử dụng hóa chất như chlorine B hay javel để diệt khuẩn, diệt rêu, nấm và tảo.
Với bộ kit thử nước bể bơi (Pool Test Kit) của nhà cung cấp thiết bị bể bơi Poolrite (Australia), chúng tôi đến một số bể bơi ở các khu Cầu Giấy, Tăng Bạt Hổ, Tây Hồ lấy mẫu nước để kiểm tra. Mặc dù nước ở các bể này nhìn bằng mắt thường đều thấy rất sạch và trong, nhưng kết quả test lại cho thấy hàm lượng hóa chất vượt quá mức quy định. Hàm lượng chlorine trong nước bể bơi đạt chuẩn là từ 1.0 - 1.5miligram/lít. Các chỉ số khác như độ pH, độ trong, mức độ ổn định kiềm, lượng vi khuẩn trong nước... cũng có nhiều trường hợp tăng cao.
Nguy cơ lây bệnh từ bể bơi
TS Nguyễn Viết Lượng, chuyên khoa Da liễu, Viện Bỏng Quốc gia cho biết, việc sử dụng hóa chất bể bơi có thể gây những tác hại nhất định cho da. Nếu hàm lượng hóa chất sử dụng thấp, trong mức cho phép thì những tác hại này là không đáng kể, tuy nhiên, việc tiếp xúc với hóa chất trong nước quá lâu vẫn có thể gây các bệnh về da như khô da, nấm ngứa. Hóa chất sử dụng quá nhiều thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ kích ứng da, viêm da.
Ngoài những tác hại do hóa chất gây ra cho da, nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm cũng luôn rình rập người bơi, chẳng hạn các bệnh da liễu như ghẻ, hắc lào, các bệnh dịch như đau mắt đỏ, hay dịch tả, lị... Theo TS Lượng, mỗi người cần phải có ý thức bảo vệ bản thân mình bằng cách hạn chế thời gian ngâm quá lâu trong nước bể bơi, tránh để hóa chất bể bơi thấm vào da, không đến bể bơi vào các đợt có dịch bệnh.


  • Một số bể bơi hiện nay có sử dụng bơm tuần hoàn để lọc nước, nhưng thực tế loại bơm này chỉ lọc được các chất hữu cơ phân tử lớn, cặn lơ lửng và vi khuẩn, chứ không thể lọc hết các chất hữu cơ hòa tan và các chất vô cơ do mồ hôi, nước tiểu, nước bọt của những người bơi thải ra, làm chất lượng nước giảm nhanh chóng.
    Các hóa chất như chloramine B, javel, hay sunfat đồng... có thể dùng để diệt nấm, tảo, rong rêu và khử trùng trong bể bơi. Tuy nhiên, các hóa chất này đều là những chất oxy hóa mạnh hay kim loại nặng nên phải sử dụng đúng lượng mức quy định, vì nồng độ quá lớn có thể sẽ làm hại cả các tế bào sống của cơ thể người, đặc biệt dễ dàng tấn công những vùng niêm mạc hở, gây các bệnh mắt, mũi và các bệnh về da.


Theo PGS.TS Trần Hồng Côn
(Khoa Hóa học, ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội)

Theo Lê Na

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này